Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

BÔNG HỒNG TRÊN VẾT DẦU LOANG

BÔNG HỒNG TRÊN VẾT DẦU LOANG


Ngày buồn rồi sẽ qua đi, sinh hoạt Quán Lá cũng sẽ trở lại bình thường, nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong chúng ta với quá nhiều cảm xúc, tự hào và hãnh diện vì mình là “A.20”
Khi biến cố xảy đến cho gia đình Hải Bầu, một số A.20 xa gần thường liên lạc với “Bầu” rất lo lắng, quan tâm và chia xẻ…., lên net thông báo cho Quán lá, nhưng chỉ có lẻ tẻ hồi đáp, hầu như gặp “bức tường im lặng” vì đa số không có xử dụng computer và không có theo dõi sinh hoạt Quán Lá qua email.
Lúc đầu Quán có vẻ thất vọng và muốn bỏ cuộc, sợ rằng sự tồn tại sẽ không còn bao lâu nữa, nhưng bây giờ mới thấy ý nghĩ đó hoàn toàn sai lầm.
Sau khi chị Hải nằm xuống, thời gian cấp bách không còn nhiều, mọi người đã săn tay áo, vận dụng tất cả những gì có trong tay, computer, điện thoại. Moi trí nhớ, gọi đến các A.20 trên toàn thế giới, thông báo hoàn cảnh của bạn mình và kêu gọi mọi người móc nối, liên lạc tới những hang cùng ngõ hẻm…
Không ngờ hành động này đã đi vào huyền sử của Quán Lá A.20, chỉ trong thời gian ngắn 1, 2 ngày…, công việc “tìm trẻ lạc” đã lan đi một cách nhanh chóng và vũ bão… như “vết dầu loang”, hơn hẳn biến cố “vịnh Mexico”.
Tác dụng rất hiệu quả, tình thần, nhiệt huyết, hào khí của A.20 vẫn chưa chết mà chỉ hơi đông lạnh và ngủ gục vì hoàn cảnh, cuộc sống…. Nhưng khi một tim đèn đưa vết dầu loang đến đâu là đông lạnh tan đến đấy…

- - Một Úc Châu, vừa “loang” ra là các “down under” đã dính lại ngay tức khắc thành “up over” với Khải, Thủy, Đạo, Trình, Pha, Phố, Rạng, Ninh.

- - Một Pháp Quốc với Robinson Nguyễn Đại Thuật lẻ loi trên ốc đảo, chỉ rình có giọt dầu nào lan tới là chộp ngay.

- - Một “Suối Máu” hùng hậu với khí thế “Đêm Noel” năm nào chưa hề tàn lụi…. Quả thật “người lính già không bao giờ chết mà chỉ tàn phai với thời gian” (MacArthur) .

- - Một Seattle “xứ lạnh tình nồng” forever với Thận, Nghị, Chuyên, Trai, Giàu.

- - Một Oregon với Hạnh, Đủ, Liên, Tường tuy bận nhưng không thờ ơ.

- - Một Utah không ù lì với Nghĩa, Ân….

- Một Colorado với Tiến “Dế” cũng lắt chắt chui từ lỗ ra gáy ầm lên, tiếng siêu âm vang vòng vòng xung quanh cũng làm “nhột nhột” đến cả chục lỗ tai, lại còn vang cả tới Florida, móc được 6 “Dzảnh”, chưa kể ở đó còn có đại ca Phan Thành Lương ân oán phân minh…

- - Một Canada với Hồ Hoàng Khánh tuy bận hành hiệp nhưng vẫn sẵn sàng phóng phi tiêu tới bất cứ giọt dầu nào đang lao tới và hạm đội của Đô đốc Victor luôn sẵn sàng vớt dầu…

- - Một Texas với những tay cowboy bách phát bách trúng mà Phạm Đức Nhì chỉ cần cất tiếng “hét” lên là
đã “bừng sáng” hết vùng sa mạc, làm cho Cái Trọng Ty tuy trầm lặng nhưng lúc nào cũng nồng nàn phải “lâng lâng” và Lê Hoàng Ân tuy trịnh trọng nhưng cũng…. ngó trước ngó sau rồi “tủm tỉm” gật gù. Một Hải Angola tuy bận lo phần an ninh nhưng cũng lo cả cho thằng bạn mình ở xa. Một Nguyễn Chí Thiệp có tên Hải Bầu trong “Trại Kiên Giam” chả lẽ lại quên nó, nào Khuất Duy Trác, nào Long Sữa, Quang Lê, Lê Trung Phương.. v..v…

- - Một Oakland với Ngô Quốc Việt “lụy vì bạn”, mê bạn hơn mê gái “but no gay”. Một Đỗ Văn Thái sẵn sàng “dzúi” anytime, cộng với Nha Kỹ Thuật Nguyễn Quốc Anh Tuấn bận nhảy toán triền miên trên rừng Concorde, lại bị sốt rét nó hành cũng ráng chui ra để chia xẻ vài viên “ký ninh”

- Một Nam Cali kề cận và hùng hậu với “Thần Bút Đại Hiệp” Vũ Văn Ánh, bút lông chỉ cần “Ngoáy” một cái là “đạn dược” bay tới ào ào, cùng với tàng cây cổ thụ phủ bóng mát lên Quán Lá mà cái … “tên” định mệnh của mình đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho các anh em với câu nói thường trực đã đi vào huyền thoại: “Có chuyện gì cứ gọi cho anh Hậu…”. Thật là một điểm son cho cánh Nam Hà.
Một “Cu Bi” lăng xăng thật dễ thương cùng với Đỗ Văn Trình đi đòi những tên nào đã lỡ dại nghe truyện “phong thần” của hắn phải đóng lệ phí kèm theo gương mặt “ngầu pín” của Đại “Gấu” đi bên cạnh thì bố ai mà né cho được, ấy là chưa kể quán quân “húc cơ” Tống Phước Hiến thì quần thần chỉ có nước “nhừ tử”, đó là chưa nói tới tư lệnh BĐQ Nguyễn Văn Học vừa mới xuất hiện.

- Nam Cali mà không nói tới Bắc Cali thì còn ra cái thể thống gì nữa, một Phạm Kim Minh với tấm lòng nhân hậu, nhiệt tình khiến chúng ta phải ngưỡng mộ, một “pho” tự điển Tôn Lò thì không sẩy một ai cả. “Ngọng” như Tám Chùa mà cũng ép phê ra phết, cộng với thuốc bồi của Ngọc đen thảy qua từ Virginia dưới sự chỉ đạo của Hà Mạnh Phan thì kho đạn Long Bình nổ đâu có thấm thía gì, khiến cho Duyên Voi phải thốt lên: “tụi mày đâu thì anh đó”, đồng thời làm cho Phùng Văn Triển lé mắt, mặc dù gánh nặng gia đình nhưng điểm danh chưa bao giờ vắng, trong khi anh Hoàng tuy “si cà que” nhưng dầu loang tới là “cổ” và “tay” vẫn “nhuần nhuyễn” như thường.
Một Tư “Rè” tuy rất bận bịu với sinh hoạt cộng đồng nhưng tinh thần Suối Máu và A.20 vẫn luôn ngời sáng.
Còn đang hưởng trợ cấp mà cũng gom “bi” để bắn như Long “sụn” (New Hamshire) và Khôi “Điếc”… thì thật là cảm động. Với Đoàn Ngọc Thụy, tuy cuộc sống thật là bình dị và đơn giản nhưng anh rất hãnh diện và hạnh phúc với một nửa còn lại thật tuyệt vời và nhân hậu của mình, sau khi đọc những lời tâm tình của Vũ Văn Ánh, một nửa đã phán một câu “xanh rờn” với phu quân của mình: “Go ahead, you một trăm. Me một trăm”.
Nhưng đó không phải là “duy nhất”, mà chúng ta phải “trân trọng” với những nửa của mỗi người, không có những “nửa” đó thì chưa chắc Quán Lá đã tồn tại lâu.

*****Quán Lá mà không có người “giữ cửa” Út Khiết thì đã “banh sa rông Nông Pênh” rồi, có Út thì ngọn hải đăng mới soi chiếu được tới những nơi mà “vết dầu loang” lan tới.

**********Cám ơn chị Phú, cám ơn Hải Bầu, nhờ dịp này chúng ta mới gần nhau và hiểu nhau hơn, cho nên hình ảnh chị Phú được mệnh danh là:

"BÔNG HỒNG TRÊN VẾT DẦU LOANG"

Từ tiêu đề này, chúng ta thấy vấn đề “lập quỹ” không còn cần thiết nữa, vì nó rất “nhạy cảm” và “phức tạp” dễ mang tiếng, các anh đã từng sinh hoạt cộng đồng nên hiểu điều đó hơn ai hết…., ta cứ “ngẫu hứng” mà lại đạt kết quả “trên cả tuyệt vời”… sau này mỗi lần nghe bất cứ nơi nào xướng lên “vết dầu loang” là chúng ta hiểu đó là “mật hiệu” của chiến dịch “Hoa tình thương A.20” xuất hiện và chúng ta đã biết mình sẽ phải làm gì.

*******Xin hương hồn chị Phú luôn phù trợ cho tình thần Quán Lá A.20 luôn bền vững và “vết dầu loang” này sẽ nguồn nhiên liệu phong phú giúp cho “con cua sắt” Hải Bầu tiếp tục vững mạnh và lăn bánh với quý tử yêu quý của mình.


Chào thân ái,

BÙI ĐẠT TRUNG

Tự
TRUNG "ĐIÊN"



Tâm tình với các đồng đội A-20 Xuân Phước

Tâm tình với các đồng đội A-20 Xuân Phước


Vũ Ánh


Tôi không phải là người đầu tiên được Hải bầu báo tin cho biết người bạn đời của anh đã ra người thiên cổ ở tuổi 60. Cái tật ít nghe lời nhắn trên cell khiến tôi chùng xuống vì ân hận khi vào sáng tinh mơ, Phạm Đức Nhì ở Galveston gọi cho tôi báo hung tin. Tôi không gọi cho Hải bầu, vì tôi biết trong giờ phút ấy, những lời an ủi chẳng có tác dụng gì giữa cái mất mát to lớn của người bạn tù thân thiết của mình. Hải làm ở gần tòa soạn tôi, thỉnh thoảng anh em gặp nhau để bàn về chuyện tổ chức gặp mặt vào Tháng Bẩy này. Tôi biết hoàn cảnh của Hải bầu rất khó khăn, tôi lại không giầu có gì, nhưng không hiểu sao vào giây phút khẩn cấp ấy tôi nghĩ những anh em nào đã chia nhau từng miếng khoai hà, từng chén canh đại dương, canh giây thép gai, mắm đã có giòi trong những bữa cơm tù, từng nhìn thấy cảnh một bi thuốc lào mà bốn năm đứa chuyền tay nhau kéo, từng vá cho nhau những miếng vá trên các bộ quân phục đã bắt đầu mục rách… có thể giúp tìm ra một giải pháp.


Đọc thư của Út Khiết viết từ Việt Nam mà nước mắt tôi cứ tuôn ra. Anh em ngày xưa đói khổ như thế, một viên thuốc kiết lỵ là một thỏi vàng mà chúng ta còn dám cho những đồng đội không may của mình trong tù, chúng ta dù thân thể như những cái xác ve biết đi thời người Do Thái bị Đức Quốc Xã lưu đày trước khi vào lò thiêu xác, mà mắt chúng ta còn rực lửa, tay còn nắm chặt những cán quốc và nói thẳng với mấy tên súng dài súng ngắn khi quản giáo nhất định đòi “Quách” Tĩnh (Đại úy Tĩnh) phải quì xuống để chúng đánh: “Cán bộ đánh bạn tôi, chúng tôi sẽ bổ những cái cuốc này lên đầu cán bộ cho dù chúng tôi phải hy sinh”. Chính những đôi mắt rực lửa đó đã làm cho tên quản giáo chùn bước thì lẽ nào ngày nay chúng ta lại lặng lẽ đứng nhìn bạn mình, đồng đội mình chìm đắm trong những khó khăn để đến nỗi không thể cử hành tang lễ cho người bạn đời của anh một cách đàng hoàng? Chị là người đã dám “lãnh” Hải bầu trong giai đoạn Bầu khốn cùng nhất, chịu đựng cái tính “xe tăng” của Hải một thời gian dài sau lần bị bắt thứ hai ở Saigon năm 1987. Vâng “cậu” chơi bạo nhưng vợ lại phải khăn gói đi thăm tù cải tạo. Sau khi định cư muộn màng ở Hoa Kỳ, chị lại chịu đựng, chia sẻ cuộc sống vất vả khó khăn của chồng trong khi mầm bệnh đang tàn phá dần cơ thể của mình.


Tôi thảo thư gởi các đồng đội từng chia sẻ với tôi trong bao gian lao ở trại trừng giới A-20 Xuân Phước về chuyện giúp Hải “bầu”. Tội nghiệp Út Khiết, cậu em nhỏ tuổi nhất trong số chúng tôi còn sinh sống ở Việt Nam cứ bấn loạn lên. Khiết gởi thư kêu gào đi khắp nơi từ Úc Châu, Pháp cho đến các ông anh, bạn bè với Khiết từng qua cổng trại A-20 đang ở Hoa Kỳ. Nó gõ kẻng, báo động, bấm chuông. Nhờ Út Khiết, dù chúng tôi chưa hề bao giờ tập họp thành một hội đoàn tương trợ, Phạm Kim Minh ở San Jose cũng đã trở thành chính tinh thần tương trợ của tất cả những anh em nào ở A-20 còn giữ lại tấm lòng với nhau, còn nghĩ tới những năm tháng đen tối ở cái thung lũng của thần chết cách biệt hẳn với xã hội chung quanh và bên ngoài. Phạm Kim Minh trở thành “văn phòng trung ương” cho chiến dịch tương trợ Hải “bầu”. Hải bị kiệt quệ hoàn toàn về tài chánh sau thời gian dài vợ bị bệnh nên cần huy động tiền bằng phương tiện nhanh nhất để chi phí cho tang lễ, Minh đã là “ngân hàng ứng trước” cho những bạn chưa kịp gởi. Từ Úc châu, Khải đứng ra làm đầu tầu và chỉ trong chưa đầy 2 ngày, tương trợ đã đến tay Hải bầu.


Dù vậy, mãi cho đến khi Tám “chùa” đại diện anh em Bắc California mang cái bị từ San Jose xuống gặp nhau ở Chùa Bát Nhã, anh em mới hết căng thẳng. Chùa Bát Nhã đã mở rộng cánh cửa đối với gia đình Hải bầu, vị trụ trì, các ni, sư , anh em Gia Đình Phật Tử trong chùa đều hết sức tận tình. Rồi những đồng nghiệp của Hải, chủ nhân và nhân viên cơ sở nơi Hải bầu làm việc cũng hết sức chia sẻ với anh những khó khăn. A-20 Nguyễn Đại Thuật mãi bên Tây cũng đã bảo cậu con nuôi của anh, cháu Hải đến giúp đỡ Hải “bầu”. Cháu đã tận tình túc trực ngày đêm để Hải bầu nhờ công việc.

Còn về phần các bạn A-20 Xuân Phước, thực tình tôi không còn tìm nổi một chữ nào nữa để mô tả cảm hứng, niềm tin của tôi vào tình đồng đội trong chốn lao tù Cộng Sản mà chúng ta đã từng biểu lộ cách đây gần 40 năm rồi mà vẫn còn giữ được. Nó vẫn như thế, keo sơn, nhân ái, dựa lưng vào nhau mà chiến đấu trong một cuộc chiến khác. Tôi cho rằng anh em chúng ta chắc không ai quên được Bùi Đạt Trung cựu sĩ quan Biệt Động Quân, cái anh chàng vào những lúc đói khổ nhất trong A-20 vẫn điển trai, nghênh ngang, đối đáp “chỉa” mấy chèo vàng tỉnh bơ, nhiều lúc tưởng chúng nó bắn “chàng” rồi. Trung “điên” hả? Đúng. Nhiều lúc tưởng nó điên thật nhưng anh em hãnh diện vì cái điên của hắn, cái điên bảo toàn được nhân cách. Tôi cho rằng, trong hoàn ảnh đặc biệt của A-20 giữ được nhân cách là chiến thắng, phải không các bạn? Nhưng các bạn không thể ngờ được, nếu bạn nào từng đọc những e-mail “cần phải đề phòng người khác coi mình” và những e-mail tếu của Trung sẽ thấy lần này Trung “điên” không “điên”. Trung viết một bài rất hay, cảm động và đầy ý nghĩa đã được post lên trại trừng giới. Các bạn cần phải coi. Trung “điên” đã cho mọi người chúng ta thấy một cái mẫu mực về tinh thần tương trợ mà các cựu tù cải tạo A-20 nêu cao trong suốt thời gian lưu đầy. Tôi nghĩ bài viết của Trung “điên” là một thông điệp đầy đủ mà anh em chúng ta muốn gởi cho nhau và mỗi người cũng cần đọc.


Lễ hỏa táng vợ Hải bầu như thế là được coi như tốt đẹp. Các anh em ở Nam Cali như Tám chùa, Hai néo, Giang Văn Hai, Đại “gấu”, Trình “mễ”, Vũ Lộ, Hải “cà”, Tống Phước Hiến+ vợ, Nguyễn Văn Học+vợ, Vũ Ánh+vợ, anh cả Nhan Hữu Hậu…đã mạn phép đại diện cho các anh em cựu tù cải tạo A-20 ở Úc, Pháp, Việt Nam, “4 Vùng Chiến Thuật” (các tiểu bang) ở Hoa Kỳ viếng thăm và tiễn đưa vợ Hải “bầu”. Trước đó một ngày, vào buổi chiều chị Bình có chở Đoàn Bá Phụ đến chùa Bát Nhã để viếng linh cữu vợ Hải bầu, nhưng Phụ đi đứng khó khăn lắm rồi nên chỉ có chị Bình vào. Hải bầu ra xe chào Đoàn Bá Phụ và nói chuyện ở ngoài xe. Theo như lời Hải “bầu”, sức khỏe Đoàn Bá Phụ xuống thấp lắm.


Thật ra, đám tang nào cũng là một điều buồn cho tang chủ, nhưng anh em A-20 đã được một “benefit” từ chị Phú. Chị nằm xuống rồi mà vẫn còn giúp cho anh em chúng tôi gặp lại nhau trong tang lễ, gặp lại nhau trong chiến dịch tương trợ, nhắc nhở nhau duy trì tinh thần đồng đội bất diệt của 40 năm trước. Riêng Nam Cali được thêm một benefit khác, đó là sau tang lễ, vợ chồng Vũ Lộ mời tất cả mọi người đến nhà anh vào buổi tối thưởng thức món giả cầy chính hiệu kiểu Bắc Kỳ do vợ anh chế biến. Ngoài ra còn gà đi bộ luộc, nghêu xào xúc bánh tráng và cháo gà.

Trong bữa ăn, Đại “gấu" than phiền Trung “điên” đã viết Đại “gấu” có khuôn mặt “Ngầu” nhưng là “Ngầu Pín”. Anh cười và nói: “Nó viết NGẦU là được rồi, lại còn thêm chữ PÍN vô làm gì”. Mọi người cười rộ lên. (VA)