Thơ Văn









CÓ MỘT DÒNG SÔNG NHƯ THẾ



Trong một chuyến về thăm quê hương, nhờ trang Web Trần Nhương tôi đã quen biết nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương ( chủ trang Web ). Nhà thơ kiêm họa sĩ này rất cởi mở, vui vẻ, và nhiệt tình giúp tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Biết quê vợ tôi ở Đồ Sơn, anh Trần Nhương đã mách nước cho tôi đến tìm gặp một nhà thơ nổi tiếng của Hải Phòng, làm chủ khách sạn Hoa Thành Đạt đồ sộ ở Đồ Sơn, nhà thơ Trịnh Anh Đạt. Trịnh Anh Đạt và tôi đã mau chóng vượt qua được cái hàng rào xã giao khô cứng. Chúng tôi có nhiều buổi ngồi uống chè Núi Đối nói chuyện thơ, đọc và nghe thơ của nhau. Hai anh em đã thân nhau và trao đổi với nhau khá nhiều điều sâu kín. Qua Trịnh Anh Đạt tôi nhận được giấy mời tham dự ngày thơ Nguyên Tiêu và gặp, trò chuyện với một số nhà thơ trong Hội Nhà Văn Việt Nam. Rời các sân thơ Văn Miếu tôi may mắn được tháp tùng một nhóm các nhà thơ miền Bắc đi ăn khuya. Bên chén chè, ly rượu các anh đã cho phép tôi bước vào khung trời thơ rất riêng tư, rất chân thật của mỗi người. Sau đó, nhân cuộc triển lãm mỹ thuật của một số họa sĩ Hải Phòng tôi lại được gặp các anh một lần nữa. Những cuộc trò chuyện bên lề này đã giúp tôi vỡ lẽ ra nhiều điều thú vị; sự hiểu biết về thơ ca của tôi cũng được mở rộng thêm. Tôi đã được các tác giả tặng nhiều tập văn, thơ có giá trị tham khảo. Anh Đạt cũng cho tôi một phần khá nhiều trong số thơ anh sưu tập. Và đặc biệt, anh đã cao hứng viết tặng tôi một bài thơ kỷ niệm Ngày Thơ Nguyên Tiêu tại Văn Miếu.


PHÚT BÌNH YÊN VĂN MIẾU


( Tặng Phạm Đức Nhì, nhà thơ Mỹ gốc Việt )


Anh từ Texas về đây
Bạn thơ dang rộng vòng tay đón chào
Bỏ qua thủ tục ngoại giao
Toàn thằng lính trận thuở nào choảng nhau!
Người mẻ trán, kẻ sứt đầu
Trở giời trái gió ngấm đau một mình
Duyên thơ nối nhịp ân tình
Rời tay súng, chẳng phải rình rập ai
Vào nơi trọng dụng hiền tài
Qua Khuê Văn Các sánh vai cùng người
Thơ hay vụt thả đỏ trời
Rưng rưng ánh mắt rạng ngời lửa thiêng!
Vượt lên giông bão trăm miền
Quê hương ơi! Phút bình yên diệu kỳ!


Văn Miếu Quốc Tử Giám
Nguyên Tiêu Canh Dần
Trịnh Anh Đạt


Sau khi tôi trở về Mỹ, anh Đạt và tôi cũng thỉnh thoảng điện thoại thông báo cho nhau những nét mới trong sinh hoạt văn học ở trong nước và hải ngoại. Tháng 10 năm 2010 gia đình anh Đạt qua Mỹ dự lễ cưới của con gái ở California. Sau khi chu du vài thành phố có đông người Việt tỵ nạn anh Đạt gọi điện thoại hỏi tôi:
“ Chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm mà sao người Việt hải ngoại vẫn còn ác cảm, vẫn đối đầu với những người Cộng Sản ?
Tình cảm của anh Đạt dành cho tôi sâu đậm như thế nên tôi thấy mình có bổn phận phải cho anh câu trả lời thành thật.
Sau 30/4 /1975 chính sách cải tạo đã làm cho người dân miền Nam ngỡ ngàng choáng váng. Sau kỳ hạn 2 tháng, rồi 3 năm, hàng trăm ngàn cựu quân nhân, viên chức chính quyền miền Nam vẫn biền biệt không về, vẫn còn phải chịu đọa đày trong các trại tập trung rải rác khắp nơi trên đất nước. Lúc đó gia đình những người đi cải tạo mới biết mình bị lừa. Sự lừa dối ấy, cộng với những hệ quả đau thương khác của chính sách cải tạo, dường như đã đâm một nhát dao vào ngực người dân miền Nam, đã đào một con sông ngăn cách lòng người Nam Bắc. Vết thương ấy giờ vẫn còn đang rỉ máu; con sông ấy giờ vẫn còn rất rộng và chưa có cầu nối liền hai bờ. Và tôi viết tiếp câu trả lời bằng một bài thơ.


BỜ VẪN QUÁ XA


( trả lời một người bạn )


(Tặng bạn thơ Trịnh Anh Đạt và cô vợ người Hoa)


Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù


năm 75, 29 tháng tư

khi đoàn tàu chở đơn vị tôi
chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải
thương cha mẹ già, đàn em dại
tôi bước lên bờ
ở lại quê hương
nhưng cha mẹ già chưa được gặp
cũng chưa thấy mặt đàn em
các anh, những người chiến thắng
súng dí sau lưng
đẩy tôi vào trại tập trung
rồi bằng những lời dối trá
trái tim vô tình
tia nhìn thù hận
các anh cướp mất của tôi
những tháng năm đẹp nhất cuộc đời


tôi có người bạn
đói lòng moi mấy củ khoai
các anh đập nát xương bàn tay
mãi mãi mang thương tật
một người khác
lâu ngày thiếu chất
chụp vội con nhái bên đường
bỏ vào mồm nuốt chửng
báng súng AK
các anh lao vào ngực, vào bụng
cho đến khi con nhái phòi ra
con nhái lúc vào màu xanh
lúc ra thành màu đỏ
tôi trở về trên đôi nạng gỗ
nhìn nhà dột, cột lung lay
cha chết đọa đày
các em tứ tán
mẹ tuổi già, sức yếu
vẫn giãi nắng, dầm sương
tôi cắn răng lìa bỏ quê hương
tìm sự sống
trở về thăm quê mấy lần
trên đường từ Nam ra Bắc
tôi cũng đôi khi nếm được
chút dư vị của chiến tranh
tôi gặp cả thương binh
từ hai phía
kẻ chống nạng, người ngồi xe lăn
kẻ mất tay, người sẹo đầu, sẹo cổ
họ buồn tủi vì phải sống đời nghèo khổ
nhưng không thấy ai lên tiếng oán hờn
với họ, giữa chiến trường


“ chuyện thường tình mũi tên hòn đạn.”


ở Mỹ, tôi quen vợ chồng người Hoa
vợ giáo chức, chồng luật sư
yêu nhau tha thiết
nhưng định mệnh trớ trêu, oan nghiệt
cô vợ bị hiếp dâm
ít lâu sau đẻ thằng con
đen như cột nhà cháy
anh chồng ôm mặt khóc như điên như dại
chạy ra khỏi phòng sanh
vợ tay nắm chặt thành giường
ngất lịm
trở về nhà
cô vợ trẻ người Hoa
đã có thể cho đi đứa con khác màu da
để mỗi ngày người chồng
khỏi thấy vết thương lòng
bị chà đi, xát lại
nhưng các bạn tôi
làm sao có thể chặt bỏ bàn tay của mình?
làm sao có thể cắt bỏ lá phổi của mình?
nên mỗi lúc trở trời,
đau đớn
lại nhớ đến các anh
không giống những thương binh
( mũi tên hòn đạn vô tình )
các bạn tôi mang thương tật
bởi đôi tay độc ác
bởi trái tim độc ác
của các anh
sau chiến tranh

đối xử với những người ở bên kia chiến tuyến
nhưng cùng tiếng nói, màu da
biết bao nhiêu phương cách đưa ra
các anh chọn phương cách tàn độc nhất
các anh đã tự đào dòng sông ngăn cách
nay lại ngồi chễm chệ trên bờ
í ới vẫy chúng tôi qua
tiếc rằng…… bờ vẫn… quá xa.


Thấy tôi mon men ở bên này bờ sông Trịnh Anh Đạt đã lội ra đón tôi ở giữa dòng. Cứ mỗi dạo ngồi bên nhau uống chè nói chuyện thơ dòng sông ấy trong tôi lại hẹp đi một ít. Một lần tôi ngồi ăn kẹo, uống chè với anh Đạt và vợ anh, chị Hoa, nói chuyện tình yêu, gia đình, nuôi dạy con cái. Không khí thật đầm ấm, vui vẻ. Tôi có cảm giác như mình đang ngồi trong nhà mình, trò chuyện với những người thân trong gia đình mình. Lúc ấy dòng sông trong lòng tôi cứ hẹp dần, hẹp dần. Cuối cùng chỉ còn như sợi tơ óng ánh trên mặt đất.
Tiếc thay, còn quá ít Trịnh Anh Đạt, quá ít Trần Nhương. Và vẫn chưa ai nghĩ đến chuyện bắc cầu. Hình như họ còn chưa biết, hoặc chưa muốn công nhận, đã hiện hữu một dòng sông như thế.




Viết xong tháng chạp năm Canh Dần ( tháng 1 năm 2011)


Phạm Đức Nhì



---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


1) Xui Tận Mạng


2) Nặng Vía


XUI TẬN MẠNG

Hơn nửa đời người ở đợ
mới dành dụm được chút tiền
chị về quê dựng chòi, mở quán
bán chè đậu đen
hôm khai trương trời mưa
lại gặp phải thằng mở hàng nặng vía
nồi chè đậu đen bị ế
tiền củi, tiền đậu, tiền đường, tiền đá
đội nón ra sân
chị tủi thân ngồi khóc
một bà tiên hiện ra an ủi, vỗ về
mặt chị đang ủ ê
bỗng sáng bừng hy vọng
chị kể truyện đời mình
bà tiên xúc động
“ Ta là tiên! Quyền phép ta sẽ chuyển đổi đời con.
Hãy cho tay vào quần “
bà tiên mách nước
“ nhổ mấy sợi lông
đốt phong long
ta sẽ khiến tất cả xui xẻo của con
vụt bay theo gió “
chị mặt mày nhăn nhó
“ nhưng chỗ đó của con đâu có sợi lông nào
từ nhỏ đến giờ cứ nhẵn thín
như mặt hòn đá mài dao
con cúi lạy tiên bà, xin tiên bà chỉ cho con cách khác “
khi chị ngẩng đầu lên
bà tiên đã biến mất
và từ đó cho đến lúc lìa đời
chị lại tiếp tục kiếp sống
làm tôi tớ cho người


tháng 7 năm 2010
“Âm hộ vô mao bần chí tử “ ( nghèo đến chết )

NẶNG VÍA


Cơn bão số 5 cuồng nộ
thổi sập một góc nhà
hình Bác Hồ lộng kiếng treo trên vách
rơi vỡ tan tànhmặt bác bê bết đất sình
ba nhặt bỏ vào sọt rác
chúng tôi dựng lại ngôi nhà
ba có việc làm
mẹ bán buôn phát đạt
anh em tôi được quay lại trường
học những điều mới lạ
có lần gia đình quây quần bên mâm cơm
mẹ nhắc lại quãng đời xưa cơ cực
mắt nhìn khoảng vách
một thời treo hình Bác
bỗng dưng mẹ mỉm cười
gật gù nói nhỏ
Bác Hồ nặng vía thật


Phạm Đức Nhì


Tháng 12 năm 2000
Lơờ I bà n“ … bần chí tử “
Bác Hồ còn xui hơn.


--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

LÁ CỜ CHÍNH NGHĨA

Tự do như muối
hạnh phúc như đường
khi đang ăn đủ miếng ngọt miếng ngon
khó thấy được giá trị của hạt đường hạt muối
tôi sống ở miền nam
nhìn dòng đời trôi nổi
nở lại tàn
bao nhiêu mùa hoa
hai nền Cộng Hòa
một cuộc chiến tranh dài đẫm máu
tôi đã dốc lòng chiến đấu
bảo vệ tự do
dưới lá cờ
nền vàng ba sọc đỏ
tiếc thay trong đội ngũ
chúng tôi có ít những Ngô Quang Trưởng , Nguyễn Khoa Nam
mà lại khá nhiều Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Văn Toàn
nên lính mất niềm tin
dân chán nản
những kẻ có lòng
lắc đầu ngao ngán
rồi nước Mỹ đồng minh, xưa là bạn
nay trở mặt lọc lừa
bỏ mặc “ tiền đồn của thế giới tự do “


thất thủ
kẻ thù đưa tôi lưu đày biệt xứ
rồi khua chiêng gòng trống ăn mừng
đám trí thức, sinh viên, học sinh
xưa trốn vô bưng
mơ một thiên đường trên trái đất
nay ngồi trên khán đài nghếch mặt
“ Thiên đường đang ở trong tầm tay “


Má Hai
xưa đào hầm nuôi cán bộ
nay hớn hở
“ Tụi nó dzià mình chắc có tương lai “
bà Tám con chết trận Đồng Xoài
hãnh diện lãnh bằng gia đình liệt sĩ
những nhà văn, nhà thơ, xưa chống “ cuộc chiến tranh phi lý “
(đâm sau lưng người lính Cộng Hòa )
nay chìa bút ra
xin viết bài ngợi ca chế độ mới
đám thanh niên xưa trốn chui trốn nhủi
ở hậu phương
xanh mặt khi nghe nhắc tới chiến trường
nay tự nhận đã yêu thầm cách mạng
những người dân bình thường
xưa gặp lính khi ghét khi thương
lúc buồn ngồi chửi đổng
“ Tao chửi cả thằng Tổng Thống
xá gì lính tráng tụi bay “
nay cũng ngập ngừng vỗ tay
nhưng mắt nhìn quanh lấm lét
họ chưa có câu trả lời dứt khoát
muốn đợi một thời gian
sau vài năm
cuộc hôn nhân qua tuần trăng mật
đã đầy nước mắt
và những tiếng nấc nghẹn ngào
đám trí thức vô bưng năm nào
tức giận thấy mình bị bội phản
buông lời phản kháng
kẻ vô khám Chí Hòa
người bị quản thúc tại gia
đưổi gà cho vợ
thiên đường ước mơ sụp đổ
má Hai
đã quen dần với bo bo với sắn với khoai
như người dân miền Bắc
những cán bộ xưa má nuôi trong hầm bí mật
đã ra lệnh bắt má mấy lần
má không đủ ăn
lấy đâu đóng thuế
bà Tám ôm tấm bằng Gia Đình Liệt Sĩ
bụng đói meo
làng trên xóm dưới ai cũng nghèo
tình người hiếm hơn hồi đó
bà ra mộ con ngồi nhổ cỏ
khóc thầm
những văn nhân một thời phản chiến
“ ngộ biến tòng quyền “
cố bẻ cong ngòi bút
nhưng với văn thơ, với nhạc
quen phóng túng tự do
sao chịu nổi gông xiềng
lại tiếc những ngày trời rộng thênh thang
muá bút
đám thanh niên hèn, khoác lác
tưởng được chế độ mới tin dùng
bị đi lao động quốc phòng
thanh niên xung phong
làm việc không công nơi rừng sâu nước độc
cháy da vàng mắt
đói lòng
những người dân
xưa chủi vung chửi vít
nay im thin thít
chẳng dám hé môi
một số kẻ lỡ lời
bị đi “ tù không án “
khi cán bộ xưng tụng bác Hồ, ca ngợi Đảng
họ cao giọng hoan hô
vỗ tay thật to
nhưng bụng thầm ao ước được sống lại những ngày xưa cũ
sau ba mươi tháng tư, đớn đau tủi hổ
là gia đình người lính Cộng Hòa
kể bị cướp nhà
người bị cướp đất
con bị đuổi học
vợ mất sở làm
chồng đi tù biệt tăm
đi họp, cán bộ Cộng Sản mỉa mai nhiếc móc
ra đường bị lườm dọc nguýt ngang
đến khi ruộng vô tập đoàn
gạo vải sữa đường bán theo tiêu chuẩn
nhà máy công ty hãng xưởng
trờ thành quốc doanh
công an khu vực đầy quyền hành
thực thi chính sách nhân hộ khẩu
người dân chịu đời không thấu
mà chẳng dám than vãn kêu ca
bấy giờ gia đình người lính Cộng Hòa
mới nhận được những tia nhìn thiện cảm
nghĩ đến con, đến chồng, đến cha
trong nhà tù Cộng Sản
họ hãnh diện ngẩng đầu
hôm nay giữa trời cao
được thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ
phất phới bay trong gió
tôi muốn khóc thật to
tôi muốn hét lên
“Đây hạnh phúc ! Đây tự do ! “
Mà thuở nào tôi đã buông tay đánh mất
để phải chôn tháng năm tươi đẹp nhất
của cuộc đời
trong các trại tù rải rác khắp nơi
trên đất nước
họ hàng tôi, đồng bào tôi
những ai không đi được
mấy chục năm trường
gánh chịu đau thương
uất hận tủi hờn
nhìn quê hương tan nát
mẹ Việt Nam ơi ! Những đứa con lưu lạc
đã nhận rõ lỗi lầm
đang đấu tranh âm thầm
cho một ngày quang phục
sẽ còn nhiều khó nhọc
để dành lại giang san
từ tay bọn Cộng Sản tham tàn
nhưng kìa ! Phất phới bay trong gió
vẫn như ngày nào
lá cờ vàng ba sọc đỏ
mà sao hôm nay chính nghĩa sáng ngời
chẳng cần một lời
luận bàn lý giải
tôi đứng lặng nhìn, lòng khoan khoái
lá cờ vẫn còn đây
thì quê hương ơi ! Sẽ có một ngày



Phạm Đức Nhì..
Viết tại San Leon sau khi dự lễ dựng kỳ đài tại Houston 1996












Tạ Lỗi Trường Sơn - Đỗ Trung Quân

1.
Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Các anh từ Bắc vào Nam
Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc
Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục, ăn chơi
“Hiện sinh - buồn nôn - phi lý!!!”
Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sài Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc
Ngòi bút các anh thay súng
Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản
Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn
Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn
Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương
Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

2.
Tội nghiệp Sài Gòn quá thể
Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý
Có anh thợ điện ra đi không về
Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống Mỹ
Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me
Tội nghiệp những người Sài Gòn đi xa
Đi từ tuổi hai mươi
Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc
Có ai hỏi những hàng dương xanh
Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hóa thân vào sóng nước
Tội nghiệp nhưng đêm Sài Gòn đốt đuốc
Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không
Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng
Áo chùng đen đẫm máu
Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo
Những vị giáo sư trên bục giảng đường
Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc
Sài Gòn của tôi - của chúng ta.
Có tiếng cười
Và tiếng khóc

3.
Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót
Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi
Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện
Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển
Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình
Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát, hy sinh…

4.
Và khi ấy
Thì chính “các anh”
Những người nhân danh Hà Nội
Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới
Chửi đã đời
Chửi hả hê
Chửi vào tên những làng quê ghi trong lý lịch của chính mình
Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh
Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!
Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc
Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt
Những bà mẹ làm ra hạt lúa
Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin
Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm
Để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch
Bây giờ
Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”
Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân
Các anh
Đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân
Đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jean xắn gấu
Cũng phanh ngực áo, cũng xỏ dép "sa bô"
Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh, ti-vi, cassette, radio…
Bia ôm và gái
Các anh ngông nghênh tuyên ngôn “khôn & dại”
Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”
Các anh cũng chạy đứt hơi
Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ
Sài Gòn 1982 lẽ nào…
Lại bắt đầu ghẻ lở?

5.
Tội nghiệp em
Tội nghiệp anh
Tội nghiệp chúng ta những người thành phố
Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”
Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

6.
Xin ngả nón chào các ngài
“Quan toà trong sạch”
Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi
Bình thản đổi thay lốt cũ
Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn
Hồn nhiên xanh muôn thưở
Để yên cho xương rồng, gai góc
Chân thật nở hoa
Này đây!
Xin đổi chỗ không kỳ kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa
Nơi một góc (chỉ một góc thôi)
Sài Gòn bầy hầy, ghẻ lở
Bây giờ…
Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào “thượng đế”
Khi sống hả hê giữa một thiên đường
Ai bây giờ
Sẽ

Tạ lỗi
Với Trường Sơn?


Đỗ Trung Quân (1982)

Một bài thơ của một thanh niên năm 1982 mới 27 tuổi đời (sinh năm 1955) đã sáng tác bài thơ này mà cho đến năm nay 2009 tức 27 năm sau mới dám công khai phổ biến.
========================================================================

XUI XẺO

1 nhận xét:


  1. QUÊ HƯƠNG, KẺ ĐI NGƯỜI Ở

    Viết sau khi đọc:

    1) Những bài thơ của Đỗ Trung Quân mới xuất hiện trên Tiền Vệ

    2) Mấy câu thơ của một ông thợ hớt tóc ở Đồ Sơn nói về sự thối nát của chính quyền cộng sản

    “Thiên đình còn đang thối
    Hạ giới thơm làm sao
    Bất cứ địa phương nào
    Sờ vào đâu cũng thối”

    3) Mấy câu thơ của một nhà thơ trẻ trong ngày Thơ Nguyên Tiêu
    “ Quê hương là chùm khế ngọt
    Ai cao thì hái được nhiều”



    Ngày xưa anh hát:
    “quê hương là chùm khế ngọt”
    sao bây giờ cắn quả khế nào
    anh cũng che mặt bảo…chua?

    có phải tại ngày xưa khế chua
    nhưng muốn được lòng người anh yêu (1 )
    anh nói bừa là khế ngọt?
    hay tại sống với kẻ vô tình
    lâu rồi khế ngọt cũng thành chua?

    Ngày xưa anh hát:
    “đường đi học con về rợp bướm vàng bay”
    giờ sao bướm vàng chỉ lưa thưa
    mà rợp trời bay cờ đỏ?
    có phải tại ngày xưa anh thổi phồng con số?
    hay tại bướm vàng…
    sợ cờ đỏ bay đi?

    anh còn hát về
    con diều biếc,
    con đò nhỏ,
    chiếc cầu tre
    cả hàng cau đầu hè
    hoa trắng xóa
    như muốn nài nỉ:
    “Người Việt ơi! Bỏ quê hương đi, sao nỡ!”
    nhưng những thứ ấy làm sao đổi được áo cơm
    và một chút tự do
    để sống cuộc sống của con người?

    có những khung cảnh bình thường
    gần gũi lâu ngày thành thân thương
    có người gọi là quê hương
    có người gọi là kỷ niệm

    tôi tên lái buôn liều lĩnh
    một lần
    đem hết kỷ niệm của đời mình
    đổi lấy hai chữ tự do
    rồi ngày lại ngày
    lênh đênh trên con thuyền viễn xứ
    kỷ niệm hiện về
    lòng quặn thắt nhớ thương

    nhưng bù lại tôi có thể ung dung
    hát mấy bài ca,
    ngâm mấy vần thơ
    mà ở quê hương
    người ta cho là đồ quốc cấm

    còn người ở lại
    được sống giữa lòng kỷ niệm
    không bồn chồn khi trời nắng
    chẳng ray rứt lúc trời mưa
    nhưng cắn phải quả khế chua
    lắm khi phải gượng cười
    nói là khế ngọt


    (1) nhưng lại không yêu anh

    Viết tại Đồ Sơn sau Tết Canh Dần 2010



    Trả lờiXóa

Lưu trữ Blog