.
Hoàng Nhật Thơ
Quân đội là một tập thể lớn nhất trong một quốc gia, được hình thành từ đủ mọi thành phần trong xã hội ở khắp mọi miền đất nước theo luật động viên hoặc tổng động viên ... Vì thế tập thể quân đội rất phức tạp nhưng sự phức tạp này đã được trui rèn trong những lò luyện thép để trở thành một tập thể kỷ luật nhất với trách nhiệm cao quý "Bảo Quốc-An Dân".
Quân đội là một tập thể lớn nhất trong một quốc gia, được hình thành từ đủ mọi thành phần trong xã hội ở khắp mọi miền đất nước theo luật động viên hoặc tổng động viên ... Vì thế tập thể quân đội rất phức tạp nhưng sự phức tạp này đã được trui rèn trong những lò luyện thép để trở thành một tập thể kỷ luật nhất với trách nhiệm cao quý "Bảo Quốc-An Dân".
Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được Quốc Trưởng Bảo Đại thành lập năm 1949 cho đến khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa ra đời ngày 26/10/1955, Vị Tổng Thống dân cử đầu tiên của nước Việt Nam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm với tư cách là nguyên thủ quốc gia kiêm tổng tư lệnh tối cao đã cải danh Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, danh xưng thân thương này được trân quý giữ cho đến ngày hôm nay và mãi mãi.
Từ sau cuộc chính biến ngày 01/11/1963, cuộc chỉnh lý tháng 01/1964 cho đến năm 1965, tình hình chính trường Miền Nam Việt Nam thật sự rối ren, bất ổn bởi những cơn lốc chính trị ... tên đồ tể Hồ Chí Minh và bọn CSBV đã lợi dụng tình trạng này để gia tăng đánh phá trong mưu đồ thôn tính MNVN. Trước những cơn phong ba chính trị với cơn bão lửa chiến tranh lan dần và sau nhiều phiên họp của Thượng Hội Đồng Quốc gia ... Chính phủ dân sự do Thủ Tướng Phan Huy Quát lãnh đạo đã quyết định trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho quân đội.
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương được thành lập và trình diện trước quốc dân ngày 19/06/1965. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, đã thay mặt đại gia đình quân đội nhận lãnh trọng trách lèo lái con thuyền Quốc Gia trong cơn nghiêng ngả của đất nước, vì thế ngày 19/06 được gọi là ngày Quân Lực chớ không phải là ngày thành lập Quân Lực VNCH như một số người đã hiểu sai.
Kể từ giờ phút lịch sử này, QLVNCH vinh dự gánh vác thêm trọng trách nặng nề hơn đối với quốc gia, dân tộc ... Người Lính VNCH ngoài trách nhiệm "Bảo Quốc-An Dân", họ còn phải chèo chống con thuyền Quốc Gia trong cơn bão lửa chiến tranh trên dòng sông lịch sử.
Nói đến quân đội là phải nói đến Người Lính, những người đã đem cả cuộc đời, một phần thân thể và sinh mạng để bảo vệ hai chữ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tang thương kéo dài 20 năm bởi cuồng vọng nhuộm đỏ cả quê hương do tên tội đồ Hồ Chí Minh và bọn CSBV gây nên.
Nhân dịp lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực lần thứ 46, người viết xin được trải lòng mình trong những dòng chữ hạn hẹp, kính cẩn Vinh Danh-Tri Ân Người Lính VNCH, những người đặt Tổ Quốc_Dân Tộc lên trên hết, những người trân quý Tổ Quốc-Dân Tộc hơn cả mạng sống của mình.
Trước khi gói trọn cuộc đời trong chiếc áo trận phủ dày bởi khói lửa sa trường, họ là những thanh niên sống dưới khung trời Tự Do của Miền Nam Việt Nam, ý thức được trách nhiệm của người trai trong thời loạn ... Họ từ giã học đường, xếp lại con đường công danh khoa bảng vào trang vở thơm mùi giấy học trò, giã biệt người yêu trong tiếng ve ngân ngày tháng Hạ, những cành phượng vỹ đỏ thắm nhẹ đong đưa trong gió như vẫy tay tiễn người đi khoác chinh y, bạn bè kẻ ở người đi nâng chén quan hà chúc tụng nhau những gì đẹp nhất ; Họ hy sinh tình cảm cá nhân, gia đình, người thân, người tình ... đặt bước chân vào cuộc sống quân ngũ bảo vệ, gìn giữ quê hương.
Sau những tháng ngày dài chạy đều bước 1, 2, 3, 4 ... hát vang "chân cứng đá mềm", mũi thở ra khói nơi "thao trường đổ mồ hôi", người thanh niên tuổi trẻ ngày nào đã gột rửa nét thư sinh bằng những giọt mồ hôi của mình ... Mái tóc ba phân, ánh mắt cương nghị, thân thể cường tráng khỏe mạnh được phủ bởi làn da sạm nắng cháy quân trường với lời thề "Vị Quốc Vong Thân" trong ngày lễ mãn khóa ... Người thư sinh ấy đã trở thành đứa con yêu của Tổ Quốc với tên gọi thân thương "Người Lính VNCH".
Người Lính VNCH đem tấm thân được trui rèn từ lò luyện thép, kiến thức quân sự được đào tạo từ mái trường Tổ Quốc mang hành trang "Bảo Quốc -An Dân" hiện diện trên mọi nẻo đường đất nước, gìn giữ quê hương bằng chính sinh mạng của mình.
Người Lính VNCH không đi chinh chiến xây đắp tương lai cho cá nhân mình ... Người Lính VNCH không đem sinh mạng vào vùng lửa đạn đánh đổi quyền cao chức trọng ... Người Lính VNCH không mang giòng máu thắm đổi lấy huy chương trên ngực áo ... Người Lính VNCH không đem một phần thân thể làm nấc thang binh nghiệp ... Người Lính chỉ biết đi chiến đấu cho đất nước yên vui.
Hai mươi năm chinh chiến ... Người Lính VNCH đi miệt mài không ngừng nghỉ, đôi giày trận mòn gót từ miền địa đầu giới tuyến nắng cháy da người ... vùng cao nguyên khô cằn sỏi đá, bụi đỏ mịt mờ ... miền Tây sình lầy nước đọng, rừng già âm u, núi đồi lộng gió cho đến cao vút không gian bao la vương dấu giày trên vùng mây trắng mênh mông ... xa ngút ngàn trùng khơi sóng vỗ lắc lư chiến hạm ... Người Lính đi trong lửa khói mịt mờ, đi trong mưa đạn pháo của quân thù, đi trên xác giặc xâm lăng, ẩn hiện như những bóng ma đi vào mật khu của giặc, âm thầm làm người chiến sĩ vô danh trong công tác đặc biệt "vượt tuyến" ... không nơi nào thiếu vắng bóng dáng Người Lính VNCH, những người đem sinh mạng che chắn cơn bão lửa chiến tranh để mang niềm vui cho đời.
Người Lính đi từ lúc mặt trời còn say ngủ, sương đêm buốt lạnh đôi vai cho đến khi quả cầu lửa khổng lồ chiếu ngay trên đỉnh đầu, bộ chinh y đẫm ướt mồ hôi, thân thể bốc khói ... Người Lính tạm dừng chân lấy nước từ sông hồ, kinh rạch, từ dây rừng đổ vào bọc gạo sấy, nuốt vội vã, hớp ngụm nước mát từ lòng đất mẹ, phì phà vài hơi thuốc lá rồi tiếp tục lên đường ... Hoàng hôn buông phủ, đơn vị tạm dừng quân ... sau khi lót lòng bằng phần lương khô, Người Lính dành chút thì giờ quý báu "từ KBC giá lạnh rừng sâu" trong cái lều vải cá nhân vội vàng viết lá thư tiền tuyến gởi về thăm gia đình ... Kẻ thì thăm hỏi, kính chúc sức khỏe mẹ già vạn an, khói lửa chiến tranh vẫn còn phủ kín quê hương nên con chưa thể về bên mẹ để làm tròn chữ "Hiếu", mong mẹ thứ lỗi cho con. Con vẫn khỏe mạnh, bình an ... Thương nhớ mẹ nhiều ; Người thì cặm cụi bên chiếc balô làm bàn nên nét chữ không ngay, trải nỗi lòng nhung nhớ vợ hiền, con thơ trên trang giấy nhỏ bé ... Thương nhớ em và con thật nhiều. Anh khỏe và an lành ; Người thì nắn nót từng nét chữ yêu thương gởi về người yêu nơi phố thị ... đã từ lâu chưa một lần về thăm ... hẹn ngày hoa giăng đầu ngõ ... Hôn Em ; Kẻ thì nguệch ngoạc đôi dòng thăm bạn bè đang ghìm súng ở một KBC nào đó. Xếp vội những lá thư còn thơm mùi mực, Người Lính vừa chợp mắt thì có lệnh lên đường ... Người Lính tiếp tục bước quân hành, âm thầm khuất vào màn đêm đen tăm tối dưới cơn mưa lạnh buốt để canh giữ quê hương cho người dân tròn giấc ngủ.
Hai mươi năm chinh chiến, hầu như Người Lính không có dư thì giờ nhiều để tắm gội nhưng họ lại là những người tắm nhiều nhất ... họ tắm trên bước quân hành dưới những cơn mưa tầm tả ngày đêm, vừa đi vừa tắm bằng giòng suối mát ngọt ngào nơi núi cao dốc thẳm, sông hồ kinh rạch, họ tắm bằng những giọt nước từ chiếc biđông nhỏ giọt trên đầu dưới sức nóng gay gắt của mặt trời và họ tắm bằng những giòng biển mặn thoát ra từ cơ thể của họ.
Hơn bảy ngàn ngày đêm, Người Lính chưa bao giờ có một lần tròn giấc, Người Lính ngủ trong thức, thức trong từng giấc ngủ ... Người Lính có thể ngủ bất cứ giờ phút nào, bất cứ nơi đâu dù chỉ năm ba phút, ngủ trong lúc di hành, ngủ trong lúc ăn, ngủ trong lúc đang nói chuyện với đồng đội, ngủ dưới cơn mưa tầm tả nơi giao thông hào, ngủ trong lúc đang đánh răng, ngủ ngay cả lúc đang đại hay tiểu tiện ... Có người đã thiếp đi vài phút dưới cơn mưa pháo của quân thù vì họ quá mệt mỏi trong một trận chiến dài nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, trận chiến 510 ngày đêm trên ngọn đồi Tống Lê Chân. Người Lính rất thèm ngủ nhưng Người Lính tự ban "quân lệnh" cho mình không được ngủ khi quê hương còn thao thức vì tiếng súng đạn xâm lăng ... Hầu như Người Lính đi và thức gần trọn cuộc đời khoác chinh y.
Hai mươi năm chinh chiến ... có biết bao nhiêu Người Lính VNCH đã ngủ quên trên chiến địa, trên vùng trời Tổ Quốc Không Gian, dưới lòng Tổ Quốc Đại Dương mãi mãi không trở về với đồng đội ... Bao nhiêu Người Lính VNCH trở về bằng mỗi một tấm thẻ bài lạnh giá hoặc ngủ im lìm trong hòm gỗ cài hoa, không bao giờ biết mặt đứa con thơ vừa cất tiếng khóc chào đời, không được nhìn thấy những giòng lệ trào tuôn trên khuôn mặt người vợ hiền đầu vừa chít vội mảnh khăn tang ... không được vuốt mái tóc người tình hay vị hôn thê mới vừa đeo chiếc nhẫn đính hôn tháng rồi nay tan nát tâm hồn quấn chiếc khăn tang đang gục đầu trên quan tài gỗ được phủ lá quốc kỳ ... không được tự tay lau những giọt lệ từ giòng nước mắt khô cạn của người mẹ già yêu quý.
Hai mươi năm chinh chiến ... bao nhiêu Người Lính VNCH trở về không nguyên vẹn hình hài ... kẻ trở về với một hoặc hai ống tay áo dư thừa ... người thì vĩnh viễn không bao giờ mặc lại được cái quần dài vì đôi chân đã gởi lại chiến trường ... người thì mãi mãi sống trong bóng tối suốt quãng đời còn lại vì họ đã hiến dâng cặp mắt cho hai chữ Tự Do của Miền Nam Việt Nam. Trong thời chiến, họ đem tấm thân gầy chống đỡ giang san ... ngày tàn cuộc chiến, họ lê tấm thân phế tàn chống đỡ tang thương, bất hạnh phủ trùm lên thân phận người thua cuộc kéo dài hơn một phần ba thế kỷ.
Chinh chiến triền miên không biết bao giờ chấm dứt ... Anh miệt mài đi mãi ... đem sinh mạng đi canh giữ quê hương ... lấy máu hồng đi dập tắt ngọn lửa chiến tranh ... đi cho đến khi nào người dân không còn kinh hoàng, hốt hoảng dìu dắt, bồng bế nhau chạy loạn trong khói lửa ngút trời bởi thảm họa chiến tranh do lũ cộng sản gây nên ... đi cho đến khi không còn thảm cảnh đứa bé thơ đang ngậm bầu sữa khô, nút những giọt máu rỉ ra trên xác người mẹ vừa chết bên ven đường bởi đạn thù, pháo giặc ... đi cho đến khi đất nước thật sự thanh bình, người dân được sống an vui, hạnh phúc, tiếng cười đùa của trẻ thơ rộn rã khắp nơi nơi, tiếng ê a hồn nhiên tuổi thơ vang lên dưới mái trường làng rợp bóng mát thanh bình, tự do.
Đường quân hành dịu vợi mù xa ... đôi chân nhỏ bé của Người Lính đã vượt qua ngàn ngàn cây số, bao nhiêu sông hồ kinh rạch, núi thẳm rừng sâu, sình lầy nước đọng, muỗi đỉa bám đen cả thân mình ... gian nan trên mỗi bước đi, hiểm nguy trong từng hơi thở, tử thần lảng vảng bên cạnh, cái chết có thể đến bất chợt trong buổi ăn, giấc ngủ ... Nhưng Người Lính VNCH, những người nguyện hiến dâng cuộc sống cho đời nào có xá chi hiểm nguy, chết chóc khi quê hương còn vang rền tiếng súng xâm lăng. Người Lính VNCH ơi ... Anh thật là cao cả.
Hai mươi năm lao vào vùng lửa đạn do tên Hồ Chí Minh và bọn CSBV gây nên ... Hằng ngàn ngàn quân lệnh ban ra ... phải chiến thắng, phải dứt điểm mục tiêu, phải giải quyết chiến trường không để một tấc đất quê hương, một căn nhà người dân lọt vào tay quân giặc ... Lá Quốc Kỳ màu Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu phải tung bay phất phới trên xác giặc trong thời hạn bắt buộc. Người Lính VNCH nghiêm chỉnh chấp hành quân lệnh không một lời than van, hiên ngang bước vào vùng tử địa, đem máu đào và sinh mạng của mình giành lấy chiến thắng mang về dâng lên Tổ Quốc.
Trước khi đi vào chốn hiểm nguy, lao mình vào vùng lửa đạn, Người Lính VNCH không nghĩ đến gia đình mà chỉ nghĩ đến sự an nguy của quê hương dân tộc ; Trong vùng lửa đạn mịt mờ ... Người Lính VNCH vừa chiến đấu vừa bảo vệ người dân, dù Người Lính bị thương thân thể đẫm máu, họ vẫn cố gắng dìu dắt người dân, bồng bế trẻ thơ, cõng ông lão, bà cụ thoát khỏi vùng hiểm nguy ... Người Lính VNCH chẳng những bảo vệ người dân mà còn chăm sóc, chữa trị vết thương cho những tù binh cộng sản bị bắt trên chiến trường, Người Lính VNCH tự tay băng bó vết thương cho tù binh, đút cho họ ăn từng muỗng cơm, từng ngụm nước, gắn lên môi họ điếu thuốc sau đó tải thương giao họ lại cho các cơ quan thẩm quyền đưa về điều trị vết thương, khai thác và giáo huấn họ trở về con đường chính nghĩa của quê hương dân tộc. Đây là tánh nhân bản của Người Lính VNCH trên con đường lý tưởng "Bảo Quốc-An Dân".
Người Lính VNCH chèo chống con thuyền quốc gia trong cơn bão lửa chiến tranh, cắm ngọn cờ chiến thắng khắp mọi nơi từ giòng sông Bến Hải miền địa đầu giới tuyến dài xuống tận mũi Cà Mau phần đất cuối cùng của quê hương. Sau trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, quân đội CSBV đã kiệt quệ, chiến tranh lắng dịu, quê hương hồi sinh, nắng ấm thanh bình tạm trải dài muôn nơi sau trận chiến kinh hồn, máu và lửa đỏ cả quê hương suốt năm tháng rưỡi trong cuộc chiến tang thương dài triền miên.
"Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu ...". Trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa kết thúc, Người Lính VNCH đã dùng máu và sinh mạng tạo một chiến công lẫy lừng làm cả thế giới nghiêng mình kính phục ... Lá Quốc Kỳ tung bay khắp mọi miền đất nước dưới tia nắng ấm thanh bình vừa ló dạng nơi chân trời thì cũng là lúc Người Lính VNCH bắt đầu bị trói tay trên bàn cờ chính trị thế giới, để rồi đưa đến cái chết tức tưởi của chính thể VNCH, Người Lính VNCH bị bức tử gãy súng ... Con thuyền quốc gia chuyên chở "Tự Do-Hạnh Phúc" cho người dân Miền Nam Việt Nam trong suốt hai mươi năm đã bị người bạn đồng minh nhẫn tâm nhận chìm vào giòng sông máu của cộng sản ngày 30/04/1975.
Năm vị tướng lãnh cùng một số Quân Cán Chính VNCH các cấp đã quyên sinh theo con thuyền quốc gia nhưng họ không chìm vào giòng sông máu của cộng sản ... Họ miên viễn đi vào lòng đất mẹ, linh hồn quyện vào Lá cờ Hồn Thiêng Sông Núi ... Họ đã hiên ngang, can trường đi bước quân hành cuối cùng trong sự uất nghẹn "gãy súng" để bảo vệ danh dự cho đại gia đình QLVNCH, bảo toàn chính nghĩa Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, để lại ngàn đời sau nhắc nhớ và thương tiếc.
Ngay sau khi Miền Nam Việt Nam lọt vào tay CSBV ... Hằng ngàn Quân Cán Chính VNCH đã bị lũ quỷ đỏ mạo danh "chống Mỹ, cứu Nước" khoan hồng bằng những loạt đạn AK47 hận thù nơì pháp trường thù hận. Hằng trăm ngàn đã được "hòa hợp, hòa giải" bằng gông cùm xiềng xích, biệt giam ngục tối, bằng những cực hình tra tấn dã man, bị bỏ đói, cưỡng bức lao động trong thủ đoạn thâm độc giết dần mòn nơi các trại tù khổ sai, khắc nghiệt mang ba chữ hoa mỹ "Trại Cải Tạo" trên hai miền Nam Bắc.
Những người TPB.VNCH bị lũ quỷ đỏ chà đạp, lết lê hít thở khói xe, bụi đường bên lề cõi sống. Họ uống nước mắt uất nghẹn kéo lê kiếp sống vong quốc hơn nửa cuộc đời ngay chính trên mảnh đất quê cha mà họ đã hy sinh giòng máu, một phần thân thể để gìn giữ.
Lũ cộng sản vô thần không tim óc, độc ác, dã man cũng không buông tha những người đã chết. Chúng tàn phá nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, tàn nhẫn giẫm lên những nắm xương tàn vô tri, những thân xác mục rã không còn lòng thù hận.
Người Lính VNCH dù đặt bước chân trên con đường vong quốc trước hay sau đều trở thành những người lính già xa quê hương, đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ. Người thì buồn bã khép mắt ra đi vĩnh viễn trong nỗi uất nghẹn không nguôi ... Người thì đã về hưu sau những năm dài tạo lập cuộc sống mới nơi quê người, ngày ngày trông về cố quốc với ánh mắt xa xăm, hơi thở mỏi mòn, chiếc bóng đời đang ngã dần về Tây trên đất khách ... Người thì vẫn tiếp tục cày trả nợ áo cơm ...
Người Lính VNCH đã đi trên đoạn đường chiến binh dài bằng một phần ba đời người ... Sau ngày "gãy súng", họ vẫn cố gắng tiếp tục đi nốt quãng đường quân hành còn lại bằng con đường đấu tranh trong thời gian hạn hẹp của chiếc bóng hoàng hôn trên con đường vong quốc. Họ tranh đấu cho ai ... Họ đã có tự do, cơm no áo ấm, con cái lớn khôn thành đạt, cuộc sống ổn định thì chắc chắn một điều là họ không tranh đấu cho bản thân hay gia đình họ ... Trong thời chiến, họ không đem sinh mạng đi chiến đấu vì danh vọng, địa vị, quyền uy, chức tước thì ngày nay họ không đem tuổi già ra tranh đấu vì bất cứ một tham vọng gì ... Họ chỉ muốn đóng góp những chuỗi ngày còn lại vào công cuộc đấu tranh giải thể lũ bạo quyền CSVN, cho quê hương dân tộc không còn ngập chìm trong bể máu cộng sản ... Họ tranh đấu cho những thế hệ mai sau được hít thở không khí tự do, không còn bị nhồi sọ, cai trị bởi chủ nghĩa cộng sản bệnh hoạn, vô thần, khát máu. Hai mươi năm chinh chiến ...Ba mươi sáu năm vong quốc ... bây giờ họ là những người lính già lưu vong ... con đường chiến binh dang dở năm xưa vẫn chưa thấy đoạn cuối nhưng hơi thở của họ ... đã cạn ...
Hai mươi năm chinh chiến ... Người Lính VNCH không bao giờ đòi hỏi Tổ Quốc bất cứ một điều gì. Người Lính chỉ mong đem cuộc đời của mình đổi lấy hai chữ Tự Do cho quê hương dân tộc cho dù phải trả cái giá đắt nhất là mạng sống.
Hai mươi năm miệt mài đi canh giữ quê hương ... Người Lính VNCH không yêu cầu người dân bất cứ một điều gì cho lợi ích cá nhân. Người Lính chỉ mong muốn nhìn thấy người dân được sống những tháng ngày an vui, hạnh phúc, cơm no, áo ấm dưới nắng ấm thanh bình trên quê hương mến yêu mang tên Việt Nam.
Những năm dài bị lũ giặc thù tra tấn dã man, chết đi sống lại bao nhiêu lần trong các trại tù khổ sai, khắc nghiệt sau ngày "gãy súng" ... Người Lính VNCH không quỵ lụy, lòn cúi kẻ thù để được tồn tại. Người Lính VNCH trước sau vẫn thủy chung với con đường "Lý Tưởng" mà mình đã chọn, vẫn giữ được khí khái , "Danh Dự" của Người Lính VNCH khi bị bức tử trở thành kẻ thua cuộc.
36 năm vong quốc ... bao nhiêu năm đem phần đời còn lại miệt mài tranh đấu ... "Người Lính già xa Quê Hương" không có bất cứ một tham vọng chính trị nào ... Người Lính Già chỉ mong sao đất nước thoát khỏi gông cùm, xiềng xích của lũ cộng sản bạo tàn, độc ác để người dân Việt Nam có được nụ cười "Tự Do-Hạnh Phúc" mãi mãi nở trên môi.
Người Lính VNCH ... Tôi nợ Anh.
Hoàng Nhật Thơ
Người Lính VNCH ... Tôi nợ Anh.
Hoàng Nhật Thơ
Bui Ngoc Thang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét