Tưởng niệm
LS Trần Danh San,
tiếng hò khoan đã tắt
Phan Nhật Nam
Phan Nhật Nam |
Ngày 11 tháng 11 năm
1960, ngày lực lượng Nhảy Dù thực hiện cuộc binh biến báo hiệu cơn sóng gió của
chiến cuộc và chính cuộc Miền Nam. Cũng là ngày gã thiếu niên 17 tuổi hiểu rõ
Nỗi Đau và Sự Chết có thật dâng lên ngập ngập trong thân, trong lòng. Cảm giác,
phản ứng nôn nao sinh tâm lý làm nghẹn đường thở, rì rầm âm động nơi trái tim
với câu hỏi.. Mẹ bây giờ ở đâu? Mẹ sống, chết ra làm sao? Em đang nơi
nào? Làm sao để sống? Ngày 11 tháng 11 năm nay, 2013, Lễ Cựu Chiến
Binh ở Mỹ, người lính không vũ khí nặng lòng, mệt nhọc, buông xuôi... Chứng
kiến Người Bạn ra đi sau những ngày, giờ chạm dần vào cánh cửa vô hình hiển
hiện của Sự Chết. Trần Danh San ra đi thanh thản sau khi đã sống đủ một đời
kiệt liệt.
Hai Luật Sư Trần Danh San (trái) và Triệu Bá
Thiệp đang chào mừng thân hữu cựu tù Phan Ðăng Lưu trong buổi kỷ niệm ngày ra
“Tuyên ngôn Nhân quyền của những người Việt Nam khốn cùng.”
Tôi với anh không phải là bạn đồng trang lứa. Anh lớn tuổi thuộc
lớp niên trưởng nếu ở trong quân ngũ, của sinh hoạt văn hóa, chính trị, xã hội
Sài Gòn, Miền Nam trước 1975. Anh là luật sư Tòa Thượng Thẫm Huế, con rể
cụ Vũ Đăng Dung, Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Sài Gòn, giai cấp xã hội với chuyên môn
nghề nghiệp thuộc thành phần lãnh đạo ở miền Nam, cũng là của hệ thống cầm
quyền thuộc các chế độ dân chủ pháp trị trên toàn thế giới. Tôi chỉ là sĩ quan
cấp úy của một binh chủng thuần thành tác chiến. Nhưng chúng tôi đã nên thân
thiết qua một liên hệ bằng hữu chặt chẽ. Bởi cả hai cùng chung trận tuyến quyết
liệt không chấp nhận người, chủ nghĩa, chế độ cộng sản. Cho dẫu hơn ai hết, tôi
và anh đồng hiểu rõ chỉ là hai cá nhân hạn chế bởi những điều kiện khách quan
lẫn chủ quan, vật chất và tinh thần cần thiết cho cuộc chiến đấu không khoan
nhượng và không cân sức nầy. Cuộc chiến đã bị thất bại cụ thể với Ngày 30 Tháng
4 năm 1975. Nhưng chúng tôi không hề thất vọng và tiếp tục phần đương cự trong
những hoàn cảnh, điều kiện riêng.
Tôi không hề ngoa ngôn, xưng tụng vô cớ. Xin minh chứng sức mạnh
tinh thần, bản lãnh kiên cường của một Con Người – Điển hình của Kẻ Sĩ Việt
Nam
Năm 1977, Sài Gòn, miền Nam đang trong gọng kìm gay gắt của chế
độ cộng sản theo khuôn mẫu trại lính của Liên Xô thời Stalin. Đúng ra là hình
thái trại tập trung khổng lồ nối dài từ miền Bắc theo khuôn mẫu xã hội xã hội
chủ nghĩa của tổng bí thư Lê Duẩn. Trại tập trung bao gồm toàn bộ quân dân cán
chính VNCH và gia đình, cùng tất cả thị dân miền Nam. Khối đông người được nói
rõ ra là bị xếp vào hạng thứ 14 của 15 giai cấp xã hội theo cách đánh giá từ Bộ
chính trị đảng cộng sản Hà Nội. Hạng thứ 15 là thành phần tội phạm hình sự gia
trọng bị chung thân khổ sai, hoặc chờ thi hành án tử hình của một loại tòa án
nhân dân do những cán bộ cộng sản từ bưng biền miền Nam, từ miền Bắc vào ngồi
ghế chánh án.
Sau sự kiện giới trí thức Tiệp Khắc ban hành Hiến Chương 77
chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản Tiệp Khắc, tại Sài Gòn, trong vòng đai lửa của
chế độ mới, hai Luật Sư Trần Danh San và Triệu Bá Thiệp không thể im lặng. Cả
hai đồng hoàn thành văn bản "Tuyên
Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Cùng". Hai anh và nhóm trí thức bất khuất gồm hơn mười luật sư,
giáo sư, kỹ sư trước 1975 hành nghề tại Huế và Sài Gòn đã hẹn nhau chia làm hai
ngã tiến theo hai đường tập trung trước Nhà Thờ Ðức Bà vào chiều ngày 23 Tháng
4, 1977. Trần Danh San dùng cái loa phóng thanh qua một máy ghi âm nhỏ đọc lên
bản ‘Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người Việt Nam Khốn Cùng’ đến cùng đồng
bào Sài Gòn, cũng của miền Nam lẫn miền Bắc đang mong chờ lần phục sinh từ bãi
lầy cộng sản. Anh cố đọc lần thứ hai, nhưng mới được một nửa thì công an ập
tới. Hai Luật Sư San và Thiệp không bị bắt riêng rẽ, hai anh có những người bạn
chiến đấu cùng chịu chung cảnh ngộ gồm các Luật Sư, Giáo Sư Vũ Đăng Dung,
Nguyễn Hữu Giao, Nguyễn Quý Anh, Vũ Hùng Cương, Trần Nhật Tân, Phạm Biểu Tâm,
Huỳnh Thành Vị, Nguyễn Hữu Doãn, Hà Quốc Trung và Kiến Trúc Sư Nguyễn Văn Điệp.
Nhóm trí thức bị giam giữ nhiều năm tại các nhà giam khắc nghiệt nhất của miền
Nam. Trại Phan Đăng Lưu,Sài gòn;Trại Z30A,Xuân Lộc; Trại A20, Xuân Phước, Phú Khánh. Trong tù,
Kiến Trúc Sư Nguyễn Văn Điệp, Giáo Sư Hà Quốc Trung đồng tự sát; Luật Sư Niên
Trưởng Vũ Đăng Dung, nhạc phụ của Trần Danh San lúc ấy đã qua tuổi 60.
Cần phải nhắc lại những chi tiết. Chưa tới ba-mươi tuổi, Trần
Danh San đã là một trong những luật sư trẻ đã tham gia chương trình thử nghiệm
đầu tiên thành lập chính quyền dân sự tại tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Hữu Chi
vừa học ở Mỹ về được cử nhiệm làm tỉnh trưởng năm 1966. Nhưng cuối cùng chương
trình này cũng không thành công vì sức ép của chính quyền quân sự vào thời điểm
ấy. Anh trở lại nghề luật nhưng mang theo một kiến thức, kinh nghiệm sâu xa về
nền chính trị rối ren tại VNCH, sự hiểu biết tường tận về những nguyên nhân gây
nên tranh chấp trong hàng ngũ chính quyền VNCH và quân đội. Cuộc di tản, rút
khỏi miền Trung, sụp vỡ Sài Gòn tháng 3, tháng 4 năm 1975 với những chi tiết và
diễn biến cho tới những ngày cuối đời, trên giường bệnh, cận tử sinh vẫn là một
ám ảnh gây nên mối phẫn hận.
Mối phẫn hận tăng thêm cường độ và tính cách mới sau 1975 khiến
anh và những người bạn chiến đấu không thể im lặng trước tình cảnh khốn cùng
của cả dân tộc. Trần Danh San lên tiếng nói và trả giá cho quyết định của mình
với ý thức không lay chuyển. Trong trại giam Phan Đăng Lưu anh nhận đòn tứ trụ
với sức chịu đựng tưởng chừng như không thực: Với thân hình cao không quá “một
thước-sáu” nhận đòn đánh hội đồng từ bốn tên lực lưỡng chuyên nghiệp tra khảo
người. Sau những trận đòn chạm tới điểm chết, sau những tháng kiên giam nơi hầm
tối của anh, viên cán bộ trưởng trại Phan Đăng Lưu có câu hỏi: Anh có ngừng
chống đối không? Trần Danh San trả lời chắc chắn: Chống đối là điều tất nhiên!
Câu trả lời được nhiều bạn tù nơi Phan Đăng Lưu năm ấy hiện nay đang cư trú tại
vùng Nam Cali nghe rõ.
Chuyển trại từ Phan Đăng Lưu ra Z30A,Xuân Lộc
rồi sau đó A20, Xuân Phước, Người Tù-Kẻ Sĩ Trần Danh San vào ngay “Chuồng Cọp
Số 5” tức khu biệt giam phân trại E của A-20. Tại đây, Trần Danh San, Vũ Ánh,
Thượng Tọa Thiện Minh, Võ Sư Lê Sáng... đã bị cùm liên tiếp trong nhiều năm. Không phải bị cùm thường
mà “cùm Omega” bằng sắt với số vòng cùm nhỏ nhất phải dùng búa mới đóng vào
được cổ chân người tù. Vũ Ánh đã nghe thấy tiếng búa của cai ngục đóng vòng cùm
số 16 vào chân Trần Danh San đáng lẽ phải mang vòng cùm số 18. Trần Danh San đã
không một tiếng kêu. Anh cũng không hề yêu cầu đổi vòng cùm.
Ở A-20, San thường nói với Vũ Ánh, chung một đội tù sau khi ra
khỏi hầm kiên giam: “Đừng bao giờ để cho cái đầu bị tê liệt vì cái bụng và
cứ coi mình là một xác chết chưa chôn thì không còn sợ hãi gì cả”. Anh
giữ vững nguyên tắc nầy cho đến ngày hôm nay trên giường bệnh lúc chạm biên
giới tử/sinh. Nguyên tắc bức thoát khỏi những ràng buộc của vật chất, thân xác.
Anh thường hoạt kê hóa câu hát ”... Khoan khoan hò ơi... Thuyền... đã
đến bến rồi...” để chỉ một sự đã rồi của tất cả các tình huống.
Vâng, thưa Anh, Luật Sư Trần Danh San, Anh đã đến bến từ một
thuở rất lâu. Anh đến trước mọi người trong những lúc khắc nghiệt nhất. Anh đến
và đi như một thản nhiên.
Phan Nhật Nam
xin các bạn vào google (gõ LS Trần Văn San) để đọc thêm về anh
A 20 Trần Mạnh Tôn |
NT. A 20 Nhan Hữu Hậu và A 20 Vũ Lonh Sơn Hải |
A 20 Phùng Văn Triển |
A 20 Vũ Văn Ánh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét